12/11/2021 10:35am
Tiến độ triển khai thu phí không dừng trên cả nước
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải báo cáo tình hình triển khai thu phí điện tử không dừng (ETC) và đề xuất giải pháp xử lý dứt điểm việc đầu tư hệ thống này đối với các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý.
Đối với các dự án cao tốc của VEC, hiện mới chỉ có tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình lắp đặt và vận hành được một phần, tại 15 làn thu phí từ tháng 6/2020. Còn lại 3 tuyến cao tốc khác vẫn chưa được triển khai.
Còn trên cả nước, sau 2 giai đoạn lắp đặt, hiện đã có 111 trạm thu phí vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng. Đến nay, sau khi khắc phục một số bất cập trong việc kết nối liên thông dữ liệu của 2 giai đoạn, chủ phương tiện đã có thể sử dụng một thẻ thu phí điện tử không dừng để lưu thông qua các trạm thu phí.
Gỡ vướng đầu tư hệ thống thu phí không dừng
Mặc dù các tuyến cao tốc của VEC là những tuyến cao tốc hoàn thành đầu tiên trên cả nước đến nay đã khai thác được khoảng 7 năm nhưng lại về đích cuối cùng trong việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng. Vướng mắc lớn nhất nằm ở việc chưa có nguồn vốn dành cho hạng mục này.
Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai cùng với 2 dự án cao tốc khác là Đà Nẵng - Quảng Ngãi và TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là những tuyến cao tốc cuối cùng trên cả nước chưa triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng.
Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, để đảm bảo tiến độ đề ra, đơn vị này đang tính toán phương án thuê một đơn vị lắp đặt và vận hành thu phí không dừng với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng, vận hành trong 5 năm.
Cụ thể, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã có hệ thống thu phí không dừng nhưng sử dụng công nghệ khác nên chưa thể kết nối với hệ thống thu phí toàn quốc. Còn hai tuyến Nội Bài - Lào Cai và Đà Nẵng - Quảng Ngãi vì chưa có vốn nên chưa được lắp đặt.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải báo cáo tình hình triển khai thu phí điện tử không dừng. (Ảnh: Dân trí)
Theo đại diện VEC, đơn vị này đã báo cáo cấp có thẩm quyền để được xử lý vướng mắc về nguồn vốn đầu tư cho khoảng 140 làn thu phí, với số vốn dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hải Long - Phó Giám đốc Trung tâm giám sát khai thác vận hành, Tổng Công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam cho hay: "Tính toán ban đầu sơ bộ của chúng tôi đang dự kiến khoảng 4.000 tỷ cho 4 tuyến cao tốc. Lộ trình là chúng tôi sẽ chia đều theo từng giai đoạn, từng tuyến để đầu tư, không phải đầu tư cùng lúc 4.000 tỷ đồng mà sẽ đầu tư phân kỳ. Như vậy sẽ dễ bố trí được nguồn ngân sách".
Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, phương án bố trí vốn ngân sách để VEC tiến hành đầu tư hệ thống thu phí không dừng sẽ được thực hiện sau khi đơn vị này được phê duyệt đề án tái cơ cấu. Trước mắt, với kế hoạch đi thuê dịch vụ, cơ quan chức năng sẽ đưa ra các khuyến cáo để VEC triển khai kịp tiến độ và liên thông được với hệ thống trên toàn quốc.
"Để thuê dịch vụ thu phí điện tử không dừng thì tiêu chí phải đảm bảo toàn bộ theo quy định, tiêu chuẩn. Các tiêu chí đánh giá hiệu năng của hệ thống thu phí điện tử không dừng thì hệ thống phải đạt được các tiêu chí này mới được đưa vào hoạt động", ông Tô Nam Toàn - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế, Tổng cục đường bộ Việt Nam nói.
Hiện cả nước vẫn còn hơn 100 làn thu phí chưa được lắp đặt hệ thống thu phí không dừng. Thực hiện yêu cầu của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các dự án phải gấp rút triển khai, hoàn thành trong quý I/2022.
Cần tăng cường hiệu quả dịch vụ thu phí không dừng
Bên cạnh việc xử lý các vướng mắc để tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hệ thống thu phí không dừng, một bất cập khác là việc sử dụng dịch vụ này của các chủ phương tiện vẫn còn hạn chế. Theo số liệu từ Tổng cục đường bộ Việt Nam, cả nước đã có hơn 2 triệu xe ô tô dán thẻ thu phí không dừng, nhưng tỷ lệ trung bình sử dụng mới chỉ đạt khoảng 50%.
Đại diện đơn vị giám sát thu phí tại cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cho biết, từ khi dịch vụ thu phí không dừng đưa vào sử dụng từ tháng 6/2020 đến nay, mới chỉ có khoảng 33% số lượng xe đã dán thẻ thu phí không dừng.
"Tỷ lệ dán thẻ bây giờ mới chỉ chiếm 33%, còn 67% là chưa dán thẻ. Trong 33% có 6 - 7% là người tham gia giao thông dùng thẻ hết tiền", ông Nguyễn Hải Đăng - Trưởng văn phòng giám sát thu phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cho hay.
Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các dự án phải gấp rút triển khai lắp đặt hệ thống thu phí không dừng, hoàn thành trong quý I/2022. (Ảnh: Dân trí)
Theo ghi nhận, mặc dù các biển làn thu phí ETC đã được lắp đặt tuy nhiên các phương tiện đi vào những làn này có nhiều phương tiện chưa dán thẻ thu phí không dừng hoặc đã dán thẻ nhưng trong tài khoản không đủ tiền. Điều này đã gây ra tình trạng ùn tắc giao thông tại nhiều thời điểm tại các trạm thu phí BOT.
Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, mặc dù Nghị định 100 của Chính phủ đã có chế tài xử phạt đối với phương tiện đi sai làn thu phí không dừng gây ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí, tuy nhiên việc xử lý chưa được triệt để.
Ông Tô Nam Toàn nói: "Hiện nay Tổng cục đường bộ đang phối hợp với Cục sảnh sát giao thông sửa đổi Nghị định 100. Chúng tôi cũng hi vọng trong năm 2021 này ban hành Nghị định sửa đổi để quy định rõ hơn các chế tài xử phạt các hành vi vi phạm và nâng mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động thu phí không dừng".
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã đề nghị các ngân hàng tiếp tục miễn phí nạp tiền vào tài khoản thu phí không dừng để khuyến khích các chủ phương tiện sử dụng dịch vụ này.
Thời gian qua, việc triển khai hệ thống thu phí không dừng đã vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành và kết nối liên thông trên toàn hệ thống. Do vậy, việc sớm tháo gỡ những khó khăn về nguồn vốn để VEC - đơn vị đang quản lý số km đường cao tốc nhiều nhất cả nước có thể thực hiện đầu tư hệ thống thu phí không dừng sẽ góp phần hoàn thiện dịch vụ này trên cả nước.
Nguồn:https://vtv.vn/kinh-te/gap-rut-hoan-thanh-van-hanh-he-thong-thu-phi-etc-20211112052412175.htm