Tính ưu việt của thu phí bằng hệ thống ETC

02/11/2022 02:27pm

Công nghệ thu phí không dừng (ETC) là công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến (RFID) tiêu chuẩn ISO/IEC 18000-6C do Hoa Kỳ phát triển, đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Công nghệ này có rất nhiều ưu điểm so với các công nghệ khác như: chi phí đầu tư thấp, thao tác đơn giản, tốc độ nhận diện phương tiện nhanh, kết quả thu phí chính xác lên tới 99,99%, dễ được chủ phương tiện giao thông chấp thuận.

Công nghệ thu phí không dừng (ETC) không những phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của nước ta mà còn là biện pháp hiệu quả để giải quyết bài toán hiện đại hóa hệ thống giao thông đường bộ ở Việt Nam.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, việc áp dụng ETC sẽ tiết giảm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Công nghệ này còn giúp giảm ô nhiễm môi trường, tăng tuổi thọ động cơ, tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa trên đường, nâng cao hiệu quả thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt, hệ thống ETC có thể giúp Nhà nước, nhà đầu tư quản lý được các phương tiện tham gia giao thông, từ đó thực hiện được nhiều chính sách quản lý phương tiện hiện đại một cách dễ dàng

Ngày 10/03/2015, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Họp báo “Công bố công nghệ thu phí không dừng (ETC) và kiểm soát tải trọng xe trên Quốc Lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên”. Theo đó, Bộ GTVT chỉ đạo thực hiện thu phí không dừng thí điểm tại 03 trạm: trạm Hoàng Mai; trạm Km604+700 QL1 và trạm Km1813+650 đường Hồ Chí Minh trước khi tiến tới áp dụng trên toàn bộ hệ thống đường bộ của cả nước.

Sau hơn 1 năm lắp đặt thử nghiệm tại 3 trạm trên QL1, Trạm thu phí Tasco Quảng Bình chính thức đưa dịch vụ VETC vào vận hành thương mại.

Tháng 7/ 2016, VETC đã kí kết thành công Hợp đồng BOO (Xây dựng – Sở hữu – Kinh Doanh) với Bộ Giao thông Vận tải để chính thức triển khai Dịch vụ thu phí tự động đường bộ VETC trên toàn quốc.

Sau quá trình triển khai gặp vô vàn khó khăn, nhiều lần trì hoãn và đình trệ kéo dài. Hành lang pháp lý cho thu phí không dừng ETC dần hình thành với Nghị quyết 437 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quyết định 19/2020/QĐ-TTg của Chính phủ, tạo tiền đề phát triển và đặt ETC vào đúng vai trò và vị trí tương xứng của nó.

Đến cuối năm 2021, Cả nước có hơn 2 triệu ôtô dán thẻ thu phí không dừng trong tổng số 4,5 triệu xe, tuy nhiên chỉ khoảng 60% phương tiện sử dụng dịch vụ này. Đây vẫn là một con số khiêm tốn trong lộ trình tăng tốc của chính phủ, đảm bảo đến tháng 6/2022, trên 90% phương tiện được dán thẻ ETC.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ giao thông vận tải, việc thí điểm thu phí tự động hoàn toàn đầu tiên trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào tháng 6/2022 đã cho kết quả đột phá, tỷ lệ ETC đạt 97%, chứng minh lợi ích vượt trội của ETC tới người dân, phương tiện lưu thông.

Hình ảnh : Xe lưu thông thuận lợi qua làn ETC

Tiếp nối thành công từ việc thí điểm của Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, theo chỉ đạo của Chính phủ, từ ngày 1/8/2022, tất cả các tuyến cao tốc trên toàn quốc đã triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC).

Ngay sau khi triển khai, áp dụng thu phí 100% ETC , những giá trị to lớn mà dịch vụ này mang lại rất dễ nhận thấy. Tất cả các tuyến cao tốc đều giảm ùn tắc; thời gian lưu thông qua trạm nhanh, thuận tiện hơn. Thời gian qua trạm trên làn ETC đối với xe đủ tiêu chuẩn được ghi nhận rút ngắn 6-7 lần so với hình thức thu phí 1 dừng. Thực tế, chỉ sau vài tuần, tình hình giao thông những ngày cuối tuần trước đây thường xuyên ùn tắc đã khác hẳn. Cảnh ùn ứ trước trạm, các lực lượng chức năng “căng mình” điều tiết giao thông trên cao tốc hay các tuyến nhánh để phân luồng gần như không còn.

Một “kỷ lục ETC” khác đã được xác lập ngay trong dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua, điển hình tại tuyến cao tốc Pháp Vân-Ninh Bình có tới 90 nghìn lượt xe qua trạm nhưng không xảy ra tình trạng tắc đường. Tuyến cao tốc Long Thành – Dầu Giây, một “điểm nóng” về giao thông cũng thông thoáng hơn rất nhiều cùng trong thời điểm trên. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp nâng cao chất lượng phục vụ, giảm thời gian lưu thông, chi phí cho chủ phương tiện; giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; thuận tiện, minh bạch và tiết kiệm chi phí cho công tác quản lý, giám sát,…

Chỉ sau khoảng 1 tháng kể từ khi áp dụng thu phí ETC, số lượng phương tiện đã dán thẻ ETC của hai nhà cung cấp dịch vụ đã chiếm hơn 80% trên tổng số 4,8 triệu phương tiện cả nước. Trong đó, gần 2,3 triệu phương tiện dán thẻ và sử dụng dịch vụ VETC, chiếm gần 60% tổng số phương tiện dán thẻ ETC toàn quốc. Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ xe đã dán thẻ ETC trên địa bàn tăng trưởng rất ấn tượng, từ 35% lên đến 78%.

Thu phí không dừng ETC đã được chứng minh có độ chính xác cao, khẳng định được vị thế số 1 trong lĩnh vực thu phí tự động tại các nước có nền giao thông tương tự Việt Nam như Đài Loan, Malaysia và Singapore... Với khả năng tích hợp các tiện ích trên duy nhất 1 chiếc thẻ dán trên phương tiện, trong tương lai, ngoài dịch vụ thu phí tự động tại các Trạm BOT, chủ phương tiện còn có thể dụng để thanh toán phí bãi đỗ, xăng dầu và các tiện ích thu phí giao thông khác,v.v.v.